Ông Nguyễn Văn Vinh, chủ một cơ sở sản xuất tranh nghệ thuật tại Quảng Nam, hỏi: Tôi phát hiện một số cơ sở sao chép các bức tranh của tôi rồi đăng trên mạng để bán. Tôi muốn biết rằng trong trường hợp này, tôi cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình và những cơ sở sao chép sẽ bị chế tài thế nào?

Luật sư Nguyễn Tấn Khoa, Trưởng phòng Xử lý vi phạm thuộc Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng

Luật sư Nguyễn Tấn Khoa, Trưởng phòng Xử lý vi phạm thuộc Chi nhánh Cty Luật TNHH Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng, trả lời:

Theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, tranh vẽ thuộc nhóm tác phẩm (TP) tạo hình, là đối tượng được bảo hộ quyền tác giả (QTG). Quyền này phát sinh kể từ khi TP được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. Do đó, nếu ông Vinh là người trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình thì đương nhiên TP của ông sẽ được Nhà nước bảo hộ.

Cách thức bảo vệ QTG

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, ông Vinh cần thực hiện các bước sau:

Thứ nhất, chứng minh QTG đối với TP:

Trong trường hợp, TP đã được cấp giấy chứng nhận QTG thì không cần chứng minh. Trong trường hợp ngược lại, ông cần chuẩn bị các tài liệu: bản phác thảo, xác định thời điểm công bố TP; xác định sự khác biệt của bức tranh so với những bức tranh khác (ví dụ: chữ ký, màu vẽ, các biện pháp công nghệ được áp dụng…); các bản chụp TP làm giả.

Thứ hai, áp dụng quyền tự bảo vệ theo luật định:

  • Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm QTG phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
  • Yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm QTG theo quy định pháp luật;
  • Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Chế tài xử lý hành vi xâm phạm QTG:

Tổ chức và cá nhân xâm phạm QTG sẽ bị xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với cá nhân, hành vi xâm phạm quyền sao chép TP sẽ bị phạt tiền từ 15 – 35 triệu đồng; trường hợp giả mạo chữ ký của tác giả trên TP thì bị phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng. Đối với tổ chức thì mức phạt gấp 2 lần mức phạt này.

Đặc biệt, với hành vi cố ý sao chép TP, phân phối TP vi phạm với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu TP từ 100 triệu đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá 100 triệu đồng, thì theo quy định tại Điều 225 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017: cá nhân có thể bị phạt tiền đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù 3 năm; ngoài ra còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đến 5 năm; doanh nghiệp có thể bị phạt tiền đến 3 tỷ đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn đến 2 năm; bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn đến 3 năm.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng

Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3572456 | 0905102425