Bộ Luật Lao động năm 2019 (BLLĐ 2019) chính thức có hiệu lực từ 1-1- 2021, có nhiều quy định mới liên quan trực tiếp đến người lao động (NLĐ), trong đó có nội dung thanh toán tiền lương những ngày chưa nghỉ phép năm.
Đối với BLLĐ 2012 đang có hiệu lực thi hành, tại Điều 114 quy định: NLĐ do thôi việc, bị mất việc làm hoặc vì các lý do khác mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được thanh toán bằng tiền những ngày chưa nghỉ; NLĐ có dưới 12 tháng làm việc mà không nghỉ hằng năm thì được thanh toán bằng tiền.
Tuy nhiên, đến BLLĐ 2019, tại khoản 3 Điều 113 quy định: trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động (NSDLĐ) thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ. BLLĐ 2019 đã bỏ quy định “vì các lý do khác”, theo đó, từ 1-1- 2021, NLĐ chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm chỉ được thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ trong 2 trường hợp: do thôi việc và do bị mất việc làm. Đối với NLĐ đang làm việc mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm nay sẽ không còn được thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ, quy định này còn được áp dụng đối với cả trường hợp NLĐ có dưới 12 tháng làm việc.
Nhiều quan điểm cho rằng quy định mới này của BLLĐ 2019 gây bất lợi cho NLĐ. Tuy nhiên, có thực sự bất lợi với NLĐ không? Nghỉ hằng năm là nghỉ có hưởng lương, bản chất để giúp NLĐ có điều kiện nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, giúp tăng năng suất hiệu quả công việc, chứ không nhằm mục đích để NLĐ nhận thêm tiền như tình trạng thực tế hiện nay. Nếu NLĐ đã xin nghỉ phép đúng luật, đúng nội quy của đơn vị sử dụng lao động mà NSDLĐ yêu cầu NLĐ đi làm (vì nhu cầu công việc) thì NSDLĐ phải tính lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ phép có hưởng lương này theo quy định tại Điều 98 BLLĐ 2019. Nếu NLĐ không xin nghỉ phép mà thích đi làm, NSDLĐ sẽ không có nghĩa vụ phải trả thêm chi phí này, nhưng hai bên vẫn có thể thỏa thuận trả thêm mà không trái luật vì thỏa thuận có lợi cho NLĐ.
Như vậy, kể từ 1-1-2021, để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho mình, NLĐ nên lưu ý xem xét thực hiện một trong các phương án sau: nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm theo quy định; thỏa thuận trước với NSDLĐ về việc chuyển số ngày chưa nghỉ hằng năm qua năm sau theo quy định tại khoản 4 điều 113 BLLĐ 2019 (có thể thỏa thuận nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 3 năm một lần).
Luật sư PHẠM VĂN THANH
Chuyên mục này có sự cộng tác về chuyên môn của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại TP. Đà Nẵng
Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3572456 | 0903573138