Sự bùng nổ của doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) trong thời gian qua đã kéo theo nhu cầu gọi vốn gia tăng đáng kể. Tuy nhiên, việc tìm và kêu gọi vốn đầu tư tại Việt Nam đối với các startup không phải chuyện dễ dàng. Xuất phát bởi tính chất của startup là một doanh nghiệp non trẻ, chưa có kinh nghiệm, chưa tạo lập đủ uy tín hay dự án startup chưa chứng minh được hiệu quả khi đầu tư… dẫn đến Việt Nam trở thành môi trường chưa thuận lợi dành cho các startup.
Theo danh sách top 10 startup ở Đông Nam Á kêu gọi được nhiều vốn đầu tư nhất vào quý 2-2020 (do Dealstreetasia công bố), Việt Nam chỉ có 1 doanh nghiệp (Tiki) huy động được 130 triệu đô, trong khi đó, nhờ vào chính sách hỗ trợ gọi vốn và hành lang pháp lý tốt hơn, Singapore có 3 doanh nghiệp và Indonesia có tới 4 doanh nghiệp lọt vào top danh sách này. Hiện nay, mặc dù việc gọi vốn đã khởi sắc hơn nhờ một số đơn vị đầu tư vốn như: VIISA, ESP, VSV, 500 Startups Vietnam, các Sharks từ chương trình Shark Tank nhưng số lượng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của các startup, đặc biệt là trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19. Vì vậy, sự ra đời của các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo (QĐTKNST) đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình thiết lập hoặc phục hồi các startup, qua đó, tạo dựng nên một môi trường đầu tư tiềm năng.
Vậy QĐTKNST là gì?
- Theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) 2017 và Nghị định 38/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, đây là một loại quỹ được hình thành từ vốn góp của các nhà đầu tư (NĐT) tư nhân để thực hiện đầu tư cho các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, với quy mô tối đa là 30 NĐT góp vốn và không có tư cách pháp nhân.
- Về vốn góp, tại đây, các NĐT sẽ góp vốn bằng đồng Việt Nam, vàng, giá trị quyền sử dụng đất hoặc các tài sản khác có thể định giá được bằng đồng Việt Nam (không được sử dụng vốn vay để góp vốn). Vốn góp được dùng để thực hiện hoạt động gửi tiền tại các ngân hàng thương mại và/hoặc đầu tư không quá 50% vốn điều lệ của DNNVV khởi nghiệp sáng tạo sau khi nhận đầu tư.
- Về tổ chức hoạt động, mọi vấn đề liên quan đến thiết lập và hoạt động của quỹ đều phải dựa trên điều lệ quỹ được tất cả các NĐT thông qua.
- Về thủ tục thành lập, ở giai đoạn đầu, các NĐT cùng nhau tiến hành thành lập quỹ, xây dựng điều lệ quỹ và thành lập hoặc thuê công ty thực hiện quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Sau đó, các NĐT góp vốn vào quỹ mở tại ngân hàng thương mại.
- Khi đã hoàn tất các bước này, trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày QĐTKNST được thành lập, công ty thực hiện quản lý quỹ phải thông báo thành lập QĐTKNST đến cơ quan đăng ký kinh doanh nơi công ty đặt trụ sở chính trước khi quỹ hoạt động.
QĐTKNST là bước đầu để DNNVV khởi nghiệp sáng tạo có cơ hội huy động nguồn vốn dồi dào và tiếp cận với NĐT có kinh nghiệm. Các NĐT cũng có thể mạnh tay thực hiện đầu tư vào các startup tiềm năng nhờ tiềm lực tài chính cộng hưởng từ cộng đồng các NĐT. Hành lang pháp lý được xây dựng cho QĐTKNST tuy tương đối mới nhưng đang dần được hoàn thiện, cho thấy Chính phủ đang dần có sự khuyến khích, hỗ trợ tối đa dành cho các startup cũng như các NĐT vào startup. Điều quan trọng là các NĐT cần làm gì để có thể đầu tư vào các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo cần làm gì để nhận được hỗ trợ vốn từ QĐTKNST.
Những nội dung cần lưu ý khi đầu tư theo hình thức Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo (QĐTKNST)
- Về điều lệ (ĐL) Quỹ, tại Điều 7 Nghị định 38/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) khởi nghiệp sáng tạo, nêu rõ: toàn bộ hoạt động quản lý QĐTKNST được thực hiện theo ĐL Quỹ, các hợp đồng ký kết với Quỹ và không chịu sự điều chỉnh của pháp luật chứng khoán. Pháp luật cho phép các NĐT được tự do thỏa thuận việc quản lý, hoạt động của QĐTKNST và ghi nhận tại ĐL Quỹ. Mọi vấn đề liên quan đến việc thiết lập và hoạt động của QĐTKNST đều phải dựa trên ĐL Quỹ được tất cả các NĐT thông qua. ĐL Quỹ quy định cụ thể tất cả các vấn đề cơ bản nhất từ tên, ngày thành lập, thời hạn hoạt động, mục tiêu hoạt động, lĩnh vực đầu tư, nguyên tắc hoạt động… của QĐTKNST cho đến những điều khoản điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của từng bộ phận của QĐTKNST (gồm đại hội NĐT, ban đại diện quỹ, giám đốc Quỹ, công ty thực hiện quản lý Quỹ (CTTHQLQ), phân chia lợi nhuận, giải quyết xung đột lợi ích, chế độ báo cáo…). ĐL Quỹ chi phối và điều chỉnh toàn bộ mối quan hệ giữa các NĐT với nhau, giữa NĐT với CTTHQLQ. Do đó, quy định càng chi tiết, dự liệu càng nhiều tình huống pháp lý có thể xảy ra trong ĐL Quỹ, nguy cơ đối diện với tranh chấp pháp lý của các NĐT càng nhỏ.
- Về CTTHQLQ, hầu hết các hoạt động đầu tư của QĐTKNST được thực hiện bởi CTTHQLQ được thành lập hoặc được thuê bởi các NĐT. Trường hợp NĐT chọn phương án thuê đồng nghĩa với việc NĐT phải trao quyền đầu tư kinh doanh của mình cho một đơn vị khác. Liệu rằng các NĐT có đủ yên tâm khi thực hiện điều này và làm thế nào để NĐT kiểm soát lãi, lỗ từ việc kinh doanh của người khác trên chính nguồn tiền của mình? Lúc này, tầm quan trọng của ĐL Quỹ lại được đặt ra. ĐL Quỹ sẽ giúp NĐT kiểm soát được CTTHQLQ thông qua việc trao quyền và quy định nghĩa vụ cho CTTHQLQ.
- Hiện nay, pháp luật Việt Nam quy định QĐTKNST không có tư cách pháp nhân. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 5 Nghị định 38/2018/NĐ-CP, một trong các hoạt động của QĐTKNST là đầu tư không quá 50% vốn ĐL của DNNVV khởi nghiệp sáng tạo sau khi nhận đầu tư. Hoạt động đầu tư này có thể được thực hiện thông qua hình thức góp vốn thành lập mới, mua cổ phần hoặc phần vốn góp của DNNVV khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, để đầu tư bằng các hình thức này, tổ chức buộc phải có tư cách pháp nhân để tham gia giao dịch chuyển nhượng, mua phần vốn góp/cổ phần… Khi đó, CTTHQLQ sẽ là chủ thể đại diện các NĐT, nhân danh QĐTKNST tham gia giao dịch với các DNNVV vừa khởi nghiệp sáng tạo.
Đặt lên bàn cân với các phương thức đầu tư truyền thống, QĐTKNST là một phương thức đầu tư khá mới và tiềm ẩn không ít rủi ro nhưng nó có cơ chế “mở” cho các NĐT lẫn các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và các NĐT có thể thực hiện đầu tư vào nhiều starup tiềm năng nhờ tiềm lực tài chính cộng hưởng từ cộng đồng các NĐT mà không bị giới hạn. Do đó, hy vọng NĐT sẽ cân nhắc lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp với nhu cầu và khả năng của mình.
Luật sư PHẠM VĂN THANH
Chuyên mục này có sự cộng tác về chuyên môn của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại TP Đà Nẵng
Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 02363572456 | 0903573138