Nhân dịp Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5/1963 – 18/5/2021), Cổng Thông tin điện tử thành phố trân trọng giới thiệu bài viết ” Phát huy vai trò khoa học công nghệ tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0″ của TS Lê Đức Viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ về những suy nghĩ, trăn trở trong việc phát huy vai trò khoa học và công nghệ tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp để ngành khoa học và công nghệ thành phố hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong thời gian đến.

Theo tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã xác định:

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tuy vậy, mức độ chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta còn thấp. Thể chế, chính sách còn nhiều bất cập, hạ tầng cơ bản của khoa học và công nghệ còn nhiều hạn chế, khiếm khuyết. Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là nhân lực chất lượng cao.

Ngày 16 tháng 12 năm 2019, Thành uỷ Đà Nẵng đã ban hành Chương trình hành động số 35-CTr/TU triển khai Nghị quyết số 52-NQ/TW và 12 tháng 3 năm 2020, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 872/QĐ-UBND về việc ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 35-CTr/TU triển khai Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trong đó, nhiệm vụ của ngành khoa học và công nghệ hết sức quan trọng đối với sự phát triển của thành phố trong thời gian đến, nhất là phải gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, cụ thể là: Thành phố Đà Nẵng đã xác định tập trung đẩy nhanh và thực hiện thực chất, có hiệu quả tiến trình tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, có trọng điểm, phù hợp với quy hoạch tổng thể thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và phát triển văn hóa – xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, chú trọng xây dựng và phát triển toàn diện con người Đà Nẵng, làm nền tảng cho thành phố phát triển bền vững”.

Để thực hiện những mục tiêu chung của thành phố, ngành khoa học và công nghệ cần phải nhận thức đầy đủ, và chủ động thích ứng, đi trước một bước để đóng góp vào sự phát triển của thành phố trên các phương diện:

1. Về phương diện chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế

Thành phố đang thay đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang tăng trưởng chiều sâu. Để thực hiện được mô hình tăng trưởng theo chiều sâu có hiệu quả, thành phố cần thay đổi cách thức tổ chức và huy động nguồn lực để đảm bảo tăng trưởng kinh tế trong thời gian đến.

Nếu như tăng trưởng theo chiều rộng thì chủ yếu dựa trên tăng trưởng vốn, lao động, tài nguyên và môi trường, có thuận lợi là mở rộng sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập nhưng có nhiều hạn chế như năng suất lao động thấp, cơ cấu dịch chuyển chậm, chất lượng tăng trưởng không vững chắc. Để dịch chuyển qua mô hình tăng trưởng mới thì tăng trưởng theo chiều sâu phải dựa vào khoa học và công nghệ hiện đại.


Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất kinh doanh

Như vậy có thể thấy, để chuyển đổi mô hình tăng trưởng của thành phố trong thời gian đến thì khoa học và công nghệ nắm giữ vai trò trụ cột quan trọng, là nền tảng chính của quá trình chuyển đổi này.

Từ đó, vấn đề đặt ra của ngành khoa khọc và công nghệ là làm thế nào để ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực nghiên cứu và triển khai, thúc đẩy đầu tư cho khoa học và công nghệ. Trên phương diện này, ngành khoa học và công nghệ cần xác định quan điểm lấy các trường Đại học, Viện nghiên cứu và doanh nghiệp làm trung tâm và chủ thể của ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ sản xuất kinh doanh. Thúc đẩy nhanh ứng dụng khoa học và công nghệ trên các nhóm chính:

  • Nhóm khoa học và công nghệ do các nhà khoa học trên địa bàn và trong nước đã làm chủ được cần chuyển giao và thương mại hoá.
  • Nhóm khoa học và công nghệ chưa làm chủ được nên cần phải mua và tiếp nhận chuyển giao từ bên ngoài.
  • Nhóm khoa học và công nghệ cần giải mã làm chủ do không thể mua bán, chuyển nhượng vì bản quyền hoặc chi phí mua bán chuyển nhượng quá cao.
  • Nhóm khoa học và công nghệ từ thu hút từ nguồn lực bên ngoài thông qua các kênh như FDI, viện trợ và hợp tác quốc tế.

Từ cách tiếp cận khoa học và công nghệ theo bốn nhóm như trên, ngành khoa học và công nghệ cần hỗ trợ các nhà khoa học, doanh nghiệp thực hiện các đề tài, nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ tạo ra sản phẩm trực tiếp hoặc phục vụ nâng cao năng suất, chất lượng và bảo vệ môi trường.

Từ năm 2017 đến nay, thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tự nghiên cứu đổi mới công nghệ, mua công nghệ mới với 34 doanh nghiệp với tổng kinh phí 6  tỉ đồng. Hỗ trợ 07 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với tổng kinh phí 1,1 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều công nghệ do doanh nghiệp phát triển đã tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh cao trên thị trường như máy phân loại cỡ tôm, máy CNC plasma, máy nướng bánh bằng từ trường thay thế ngoại nhập…

Tuy nhiên, các doanh nghiệp và các nhà khoa học làm các đề tài nghiên cứu hướng về doanh nghiệp vẫn còn chưa nhiều, chưa có nhiều sự gắn bó giữa các nhà khoa học, các Viện, trường Đại học và doanh nghiệp sản xuất, chưa thực sự gắn bó giữa nghiên cứu và ứng dụng. Trong thời gian đến, thành phố cần tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp, nhà khoa học, các trường Đại học, Viện nghiên cứu liên kết thực hiện các đề tài nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ trực tiếp cho doanh nghiệp. Làm sao phải hình thành chuỗi liên kết giữa nhà quản lý, nhà khoa học và nhà sản xuất, thúc đẩy hình thành thị trường khoa học và công nghệ, sàn giao dịch công nghệ. Đồng thời, phát huy và bồi dưỡng các doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo hướng tăng dần về số lượng, lớn về quy mô để đủ khả năng cạnh tranh trong môi trường quốc tế.

Xem việc thu hút các nguồn lực khoa học và công nghệ của bên ngoài, tập đoàn lớn đầu tư vào các Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung, Khu công viên phần mềm là xung lực quan trọng làm cú hích cho chuyển giao công nghệ và tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Xem các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là xung lực mới bởi các doanh nghiệp này luôn tìm cách giải quyết các vấn đề, nhu cầu xã hội bằng công nghệ và mô hình kinh doanh mới, có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, lan toả trên quy mô lớn, có khả năng thay đổi cơ cấu ngành, lĩnh vực trong thời gian ngắn, tạo ra ngành kinh tế mới. Để tạo ra được các doanh nghiệp như trên, thành phố cần tiếp tục hoàn thiện và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để làm bệ phóng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển nhanh và bền vững.

2. Về phương diện ba giải pháp đột phá chiến lược

Song song thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng thì cần thiết bám sát nội dung ba đột phá chiến lược mà Đảng ta đã đề ra đó là các đột phá về thể chế, đột phá về nguồn nhân lực và đột phá về hạ tầng. Để thực hiện được ba đột phá chiến lược này vừa gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, theo tôi thành phố cần phải thực hiện các nội dung:

Thứ nhất là đối với thể chế, hiện nay Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra rất nhanh, nhiều công nghệ và mô hình kinh doanh mới ra đời trong khi các quy định pháp luật hiện nay chưa theo kịp, nếu chúng ta không có tư duy và giải pháp quản lý phù hợp với thời đại thì sẽ tự kìm hãm sự phát triển; các công nghệ, mô hình kinh doanh mới này sẽ di chuyển đến những nơi khác.

Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, để quản lý theo kịp cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đó là quản lý theo khung pháp lý thử nghiệm (sandbox), thậm chí các quốc gia còn lập ra Bộ Không gì là không thể để quản lý. Đối với thành phố Đà Nẵng đã xác định là Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, hướng đến năm 2030: “xây dựng Đà Nẵng trở thành một Trung tâm về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia khu vực miền Trung – Tây Nguyên mang tầm cỡ khu vực Đông Nam Á, một thành phố hiện đại, phát triển và thịnh vượng. Đến năm 2045, xây dựng Đà Nẵng trở thành một trung tâm công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu châu Á”.


Đà Nẵng cần tạo điều kiện thuận lợi nhất nhằm tạo lập và nuôi dưỡng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng 4.0. ẢNH: Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo Đà Nẵng năm 2019

Để đạt mục tiêu này, Đà Nẵng phải so sánh mình với các đối thủ khác trong khu vực ASEAN và Châu Á về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để kịp thời cải cách thể thế nhằm tạo lập và nuôi dưỡng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phù hợp với xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chính phủ cần mạnh dạn cho phép Đà Nẵng sớm nghiên cứu xây dựng cơ chế hình thành đặc khu đổi mới sáng tạo hoặc thử nghiệm thí điểm các mô hình quản lý mới (sandbox) tương tự như Singapore đang làm.

Thứ hai là đối với hạ tầng, để khoa học và công nghệ thực sự tác động vào sản xuất thì việc phát triển và đầu tư hạ tầng khoa học và công nghệ đóng vai trò nền tảng. Hạ tầng khoa học công nghệ như hệ thống các cơ sở nghiên cứu, trung tâm ươm tạo, phòng thí nghiệm đóng vai trò xương sống trong việc tạo ra công nghệ mới, tiếp nhận công nghệ mới, phát triển nhân lực chất lượng cao, chứng nhận hoặc tham gia xây dựng những tiêu chuẩn kỹ thuật mới, nhất là tiêu chuẩn kỹ thuật của các lĩnh vực thuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Theo Đề án tái cơ cấu đầu tư, trong đó trọng tâm là đầu tư công thì Trung ương và thành phố cũng cần có phân bổ hợp lý nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng khoa học và công nghệ, đầu tư các trung tâm nghiên cứu mang tính lan tỏa, đầu tàu như hạ tầng Khu công nghệ cao, dự án Khu làm việc và đào tạo khởi nghiệp, nâng cấp Trung tâm Công nghệ sinh học phục vụ nghiên cứu và phát triển vùng Nam Trung Bộ. Đồng thời, khuyến khích và hỗ trợ tư nhân đầu tư, mở ra các trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm tiên tiến, các vườn ươm, liên kết nghiên cứu trong thời gian đến.

Thành phố nên xem xét sớm hỗ trợ các trường đại học hoặc các đơn vị thuộc thành phố thành lập các phòng thí nghiệm như chuỗi khối (blockchain), dữ liệu lớn (bigdata), trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, 5G, y sinh học…Tiếp tục phát triển hệ thống từ 8 đến 10 vườn ươm doanh nghiệp, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp tư nhân hoặc theo hình thức đối tác công tư.

Thứ ba là đối với phát triển nguồn nhân lực, thành phố Đà Nẵng không có quy mô lớn về diện tích và tài nguyên thiên nhiên hạn chế nhưng có thuận lợi rất lớn đó là có hệ thống 22 trường Đại học, Cao đẳng, Viện nghiên cứu trên địa bàn. Trong kỷ nguyên số, đây là nguồn tài nguyên vô giá vì thế thành phố cần thống nhất quan điểm xem đây là nguồn tài sản quý báu của thành phố để từ đó cơ chế tiếp tục khai thác và phát huy. Ngược lại, các Viện, trường Đại học, Cao đẳng cần phải nghiên cứu để bổ sung đào tạo nhanh các nội dung, ngành nghề của cuộc cách mạng 4.0, đưa vào giảng dạy sâu rộng giáo trình khởi nghiệp cho sinh viên, đào tạo sinh viên theo định hướng công dân toàn cầu.

3. Về phương diện nâng cao năng lực quản lý nhà nước và chủ động hội nhập quốc tế

Ngoài việc khẳng định vai trò của khoa học và công nghệ trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của thành phố cũng như thực hiện ba đột phá chiến lược, ngành khoa học và công nghệ còn cần tập trung quan tâm các lĩnh vực khác:

– Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về quản lý các đề tài, chương trình, dự án khoa học và công nghệ, quản lý công nghệ, an toàn bức xạ hạt nhân, ứng dụng đồng vị phóng xạ, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng và sáng kiến. Đây là những nhiệm vụ thiết yếu, có những nhiệm vụ tác động trực tiếp đến đời sống dân sinh, sức khỏe nhân dân và ổn định trật tự xã hội của thành phố.

– Phát huy vai trò là cơ quan quản lý khoa học, nơi tập hợp trí tuệ liên ngành, liên lĩnh vực, trong nước và ngoài nước để giải quyết các bài toán quản lý đặt ra từ thực tiễn quản lý của thành phố như nghiên cứu giải pháp lãnh đạo điều hành của thành phố trong thời kỳ mới, tình trạng sạt lở bờ biển, nguồn nước ngầm dự trữ của thành phố, quy hoạch và phát triển đô thị, biến đổi khí hậu, nước biển dâng… Đặc biệt là nâng cao năng lực dự báo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn để dự báo tình hình kinh tế – xã hội trong thời gian đến để từ đó tham mưu cho thành phố chủ động có các biện pháp, tránh phải bị động và xử lý theo tình huống không có sự chuẩn bị.


Nhà nước cần tiên phong ứng dụng các sản phẩm công nghệ mới phục vụ quản lý, hoạt động của hệ thống

– Nhà nước cần đổi mới từ nhận thức, tư duy cho đến hành động tổng thể, mà trước hết phải tiên phong ứng dụng các sản phẩm công nghệ mới phục vụ quản lý, hoạt động của hệ thống. Nhà nước vừa đóng vai trò là nơi sẵn sàng tạo môi trường cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thí điểm sản phẩm dịch vụ mới nhưng cũng đồng thời là khách hàng tiên phong để ủng hộ sản phẩm dịch vụ công nghệ mới do doanh nghiệp sáng tạo ra.

– Trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, khoa học và công nghệ phải đi tiên phong trên mặt trận ngoại giao kinh tế nhằm nắm bắt kịp thời dòng chảy khoa học và công nghệ, tư duy của thời đại, nâng tầm khoa học và công nghệ thành phố bằng cách kết nối với các Trung tâm khoa học và công nghệ tiên tiến trên thế giới. Đồng thời, kịp thời chủ động công bố các công trình nghiên cứu khoa học, phát minh và sáng chế của thành phố để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và khẳng định năng lực khoa học và công nghệ của thành phố với cộng đồng quốc tế.

Đồng thời thông qua hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với thu hút các tập đoàn công nghệ, quỹ đầu tư lớn đầu tư, thông qua đó mang sản phẩm trí tuệ của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ra thế giới. Thành phố cần sớm xem xét gia nhập các tổ chức, diễn đàn quốc tế có uy tín, tác động lớn để trao đổi học tập kinh nghiệm như Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, Diễn đàn kinh tế thế giới DAVOS. Để làm được những nhiệm vụ này, thành phố cần chủ động xây dựng Đề án hội nhập quốc tế trên lĩnh vực khoa học và công nghệ từ nay đến năm 2030 để việc triển khai có hệ thống và xuyên suốt.

Trên đây là một vài suy nghĩ về vai trò của ngành khoa học và công nghệ nhân ngày khoa học và công nghệ Việt Nam (18/5/1963 – 18/5/2021), xin được trao đổi với các bạn và mong nhận được thêm các góp ý để ngành khoa học và công nghệ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian đến.

https://danang.gov.vn