Bà Nguyễn Thị Thùy Loan, trú Q.Sơn Trà (TP Đà Nẵng), hỏi:

Tôi là trợ lý giám đốc của một công ty (Cty) Hàn Quốc. Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Cty tôi đang có kế hoạch cho một số người lao động (NLĐ) tạm nghỉ để chờ cho tình hình ổn định trở lại; đồng thời, cũng sẽ chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) với một số người khác. Do vậy, tôi muốn biết liệu Cty tôi có được quyền cho NLĐ tạm nghỉ và đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong trường hợp này không? Nếu được thì Cty tôi phải chi trả trợ cấp khi chấm dứt HĐLĐ và tiền lương cho NLĐ nghỉ chờ việc thế nào?

Thạc sĩ – Luật sư Lê Ngô Hoài Phong- Trưởng Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng, trả lời:

Theo quy định tại Điều 38 Bộ luật Lao động 2012 thì, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc. Và theo Khoản 2 Điều 12 Nghị định 05/2015/NĐ-CP thì, dịch bệnh được xem là lý do bất khả kháng. Do vậy, Cty của bà Loan có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong trường hợp này. Tuy nhiên, cần lưu ý khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ, cần phải tuân thủ về thời hạn báo trước.

Về trợ cấp thôi việc, Điều 48 Bộ luật Lao động 2012 quy định:

1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.

Về trợ cấp mất việc làm, Điều 49 Bộ luật Lao động 2012 quy định:

1. Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho NLĐ đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại Điều 44 và Điều 45 của Bộ luật này, mỗi năm làm việc trả 1 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 2 tháng tiền lương.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian NLĐ đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật BHXH và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc; tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo HĐLĐ của 6 tháng liền kề trước khi NLĐ mất việc làm.

Về quyền cho NLĐ tạm nghỉ để chờ việc thì Cty bà Loan có quyền cho NLĐ tạm nghỉ việc hay ngừng việc vì các lý do như: thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế. Trong trường hợp này, tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng

0236.3572456 |  0905102425