“Những nhà sáng lập không nhận ra rằng văn hóa của công ty không chỉ được tạo ra bằng giao tiếp và các giá trị mà họ quảng bá, mà còn thông qua các thông điệp không chủ ý nhân viên cảm nhận được trong quá trình làm việc”.
Các nhà lãnh đạo luôn muốn có một môi trường làm việc hiệu quả hơn và những nhà sáng lập là những người ở vị trí độc nhất có thể thiết lập nền văn hóa cho tổ chức của họ.
Khi những nhà sáng lập đầu tư vào đội ngũ của công ty, họ muốn sự gắn kết, hiệu suất và bầu không khí hỗ trợ. Nhân viên cũng được hưởng lợi từ môi trường hòa nhập sử dụng các công cụ tâm lý tiên tiến để mỗi người đóng góp cho công ty.
Nhưng điều này hoàn toàn không dễ.
Những nhà sáng lập không nhận ra rằng văn hóa của công ty không chỉ được tạo ra bằng giao tiếp và các giá trị mà họ quảng bá, mà còn thông qua các thông điệp không chủ ý nhân viên cảm nhận được trong quá trình làm việc.
Những thông điệp tế nhị, không theo chủ ý này thường khó quản lý và kiểm soát hơn việc bạn xử lý các tình huống.
Dưới đây là 8 khái niệm và chiến lược tâm lý sẽ giúp bạn giải quyết cả những thông điệp cố tình và vô tình tạo nên văn hóa công ty.
1. Điều kiện tích cực.
Điều kiện tích cực là một kỹ thuật có tên gọi là điều kiện hóa, được tiên phong bởi nhà tâm lý học B.F. Skinner.
Ông phát hiện ra rằng: Nếu thưởng một điều gì đó kích thích khi chuột tạo ra một hành vi mong muốn, nó sẽ lặp lại hành động mong muốn đó. Khi người ta học một điều gì mới, người ta mong chờ được khen thưởng hơn là bị trừng phạt khi mắc sai lầm.
Trong công việc, điều này có nghĩa là nên ưu tiên đưa ra những phản hồi tích cực cho nhân viên và đội ngũ lãnh đạo. Hãy thử công nhận và khen thưởng các hành vi, từ đó thúc đẩy sự phát triển của tổ chức và phù hợp với các giá trị của bạn.
2. Trau dồi không gian an toàn.
Một phần quan trọng của văn hóa tổ chức là làm cho mọi người cảm thấy an toàn và là một phần của công ty.
Hãy đầu tư thời gian và tiền bạc vào các khóa đào tạo đa văn hóa, ngay cả trong giai đoạn đầu của quá trình xây dựng, bạn sẽ nhận được giá trị của nó: tăng khả năng giữ chân nhân viên, giảm trách nhiệm và marketing bản thân như một tổ chức định hướng giá trị.
Tìm hiểu thêm về các nền văn hóa khác (ví dụ: LGBTQ, chủng tộc/ sắc tộc, tình trạng kinh tế xã hội) sẽ khiến nhiều người cảm thấy thoải mái hơn trong môi trường của bạn, khiến họ làm việc hiệu quả hơn và trung thành hơn khi bạn mở rộng quy mô.
3. Thúc đẩy tính xác thực và feedback.
Lãnh đạo đích thực sẽ thúc đẩy các mối quan hệ chân chính, giúp tăng feedback và trách nhiệm cá nhân.
Nếu nhân viên đi làm và ẩn mình, họ sẽ không đưa ra feedback quan trọng cần thiết cho sự thay đổi tích cực và không làm việc hết mình.
Thay vào đó, hãy thường xuyên yêu cầu nhân viên đưa ra feedback và ngược lại, cho cả những hành vi tích cực và các lĩnh vực phát triển.
Khi nhiều cá nhân trong tổ chức sống thật trong bối cảnh và mục tiêu bao quát của công ty, họ sẽ yêu thích công việc của mình và đầu tư nhiều hơn vào sự phát triển cá nhân và nghề nghiệp.
4. Khuyến khích giao tiếp.
Giao tiếp càng nhiều, công ty sẽ càng phát triển.
Khi nhân viên cảm thấy mình có tiếng nói và ý kiến của họ quan trọng đối với quản lý, họ sẽ có động lực nỗ lực hết mình.
Khuyến khích giao tiếp và tăng tính minh bạch trong quá trình đưa ra quyết định giúp công ty truyền tải các giá trị, mục tiêu và triết lý của mình.
Hãy đảm bảo rằng các quản lý cấp cao là những người khiến nhân viên cảm thấy được tôn trọng.
5. Cho nhân viên thấy ý nghĩa của công việc.
Khi nhân viên cảm thấy công việc của họ là vô nghĩa, họ sẽ nghỉ ngơi và đếm ngược đến thời gian mình có thể đóng chiếc máy tính lại.
Nếu bạn muốn tăng lợi nhuận, hãy tăng năng suất bằng cách giúp nhân viên cảm thấy công việc của họ có ý nghĩa.
Cho họ thấy công việc cá nhân của họ đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với mục tiêu của tổ chức, và đóng góp của họ sẽ tác động tích cực như thế nào đến cuộc sống cũng như sự tiến bộ của công ty.
Tâm lý học đã chứng minh: càng cảm thấy có ý nghĩa, chúng ta càng cảm thấy có trách nhiệm hơn khi trở thành tác giả của cuộc đời mình.
Hãy cho nhân viên thấy được tầm quan trọng của họ đối với sự phát triển của công ty, để nhân viên cảm thấy có trách nhiệm về năng suất công việc.
6. Cho phép những giờ giải lao ngắn.
Giải lao ngắn không chỉ là một chủ đề nóng mà nó có thể cải thiện đáng kể năng suất làm việc.
Thay vì kỳ vọng viển vông rằng mọi người sẽ ngồi trên bàn làm việc cả ngày và duy trì sự tập trung, hãy nhớ rằng tâm lý học đã chứng minh: con người có khả năng chú ý còn thua cá vàng.
Chúng ta cần nghỉ ngơi ngắn để thiết lập lại sự chú ý, tăng cường ý chí và cải thiện khả năng tập trung.
Hãy khuyến khích nhân viên của bạn dành thời gian tĩnh tâm và tập thể dục. Hãy đề xuất rõ ràng và bạn có thể mô hình hóa hành vi này để nó trở thành văn hóa của công ty.
7. Lắng nghe và xác nhận để giúp mọi người cảm thấy được lắng nghe.
Các nhà tâm lý học biết rằng hầu hết mọi người đều muốn cảm thấy được thấu hiểu.
Hầu hết mọi người làm mất giá trị trải nghiệm cá nhân và khiến người khác cảm thấy bị hiểu lầm. Nếu bạn muốn có hiệu suất tối ưu, hãy tuân theo tâm lý đơn giản.
Thông cảm và thể hiện rằng bạn tôn trọng cảm xúc của họ, coi trọng ý kiến của họ trước khi nói với họ rằng họ không đúng hoặc thiếu thông tin quan trọng. Trước hết, hãy lắng nghe và cảm thông, sau đó mới đi đến thương lượng.
Sống theo những quy tắc đơn giản đó sẽ cải thiện sự gắn kết tại nơi làm việc và các mối quan hệ cá nhân của bạn.
8. Nói được làm được.
Kết nối với một nhà tâm lý, một chuyên gia về tâm lý học khởi nghiệp là cách tốt nhất để theo dõi nhanh nhận thức của bạn và nâng cao văn hóa của công ty bạn.
Các cuộc trò chuyện với chuyên gia hướng dẫn thông qua các bài tập giúp bạn tăng cường nhận thức bản thân và hiểu cách thức hành vi của bạn tác động đến người khác, từ đó bạn có thể ra quyết định hiệu quả hơn và tạo ra một nền văn hóa dựa trên các giá trị sống, không chỉ là khát vọng.
Tâm lý học cơ bản rất hiệu quả. Các nhà tâm lý học dành nhiều thập kỷ nghiên cứu con người để hiểu động cơ và chức năng của họ.
Thay vì phớt lờ những nỗ lực đó, hãy kết hợp các chiến lược tâm lý đơn giản này để bạn có thể cải thiện văn hóa của công ty và tiếp tục phát triển thành tổ chức mà bạn muốn.
Nguồn: cafebiz.vn