Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy
Có thực tế là tại TP Đà Nẵng, số lượng doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường chứng khoán chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Theo ông, vì sao các doanh nghiệp trên địa bàn chưa mặn mà với việc lên sàn chứng khoán, dù biết rằng khi niêm yết cổ phiếu sẽ mang lại nhiều lợi ích?
Tôi cho rằng, hiện các doanh nghiệp ở Đà Nẵng ít niêm yết trên sàn chứng khoán bởi hai lý do, cả khách quan và chủ quan. Về khách quan, ở miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng các doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ; đặc biệt trong bối cảnh trong và sau đại dịch, các doanh nghiệp tồn tại được đã là điều rất khó khăn, việc niêm yết lên sàn lại càng khó hơn nhiều.
Điều quan trọng hơn là ở khía cạnh chủ quan, đó là về tư duy của lãnh đạo doanh nghiệp. Tư duy này phải áp dụng để xây dựng chiến lược ngay từ đầu, từ lúc thành lập doanh nghiệp.
Chúng ta đều biết để lên được sàn chứng khoán doanh nghiệp phải đáp ứng được các điều kiện theo quy định như hệ thống sổ sách kế toán, quản trị phải theo chuẩn mực. Trong khi hiện nay các doanh nghiệp địa phương khi thành lập thì tư duy chỉ phát triển sản phẩm theo hướng người chủ doanh nghiệp mong muốn. Chính vì vậy ngay từ ban đầu doanh nghiệp đã không chuẩn bị các điều kiện để tiến tới niêm yết lên sàn.
Được biết, trong số các thành viên thuộc Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng có một số doanh nghiệp đã niêm yết, ông đánh giá như thế nào về hoạt động của các doanh nghiệp này?
Hiện nay tại Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng có một số doanh nghiệp đã niêm yết như Dệt may Hòa Thọ, Dược Danapha, Din Capital, Vinaconex 25, Gỗ An Cường… Cho đến lúc này, về huy động vốn, về sản xuất kinh doanh, về tính minh bạch trong đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết này rõ ràng là rất tốt, không cần phải bàn.
Đánh giá chung về các doanh nghiệp sau khi lên sàn, chúng tôi cho rằng đều phát triển tốt và ổn định. Có thể thấy các doanh nghiệp này huy động vốn tốt, hiệu quả kinh doanh ổn định. Do đảm bảo được sự minh bạch trong sản xuất kinh doanh mà các doanh nghiệp niêm yết đã thu hút được các nguồn lực đầu tư khác.
Cần nhiều chính sách để doanh nghiệp ‘mạnh dạn’ niêm yết
Là thành phố trung tâm của miền Trung với rất nhiều doanh nghiệp hoạt động, trong thời gian qua, Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng đã có những hoạt động cụ thể gì để hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên tiếp cận nguồn vốn, thị trường, lao động hay cơ hội hợp tác đầu tư?
Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng có nhiều hoạt động thường xuyên hỗ trợ các doanh nghiệp là hội viên. Thứ nhất là về đào tạo, chúng tôi đã tổ chức các buổi tập huấn chia sẻ kiến thức cũng như kinh nghiệm về thị trường chứng khoán, các thủ tục và điều kiện chuẩn bị trước khi niêm yết lên sàn; tổ chức các khóa đào tạo để nâng cao năng lực của lãnh đạo.
Về chính sách, chúng tôi tích cực tham gia góp ý, phản biện chính sách, mong muốn góp phần tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, hỗ trợ hội viên trong việc tiếp cận các chính sách, trong đó có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thị trường, các doanh nghiệp khi niêm yết lên sàn.
Đặc biệt, chúng tôi đã thành lập câu lạc bộ giao thương quốc tế, và dù mới chỉ thành lập hơn một năm, chúng tôi đã đón tiếp nhiều đoàn khách, tổ chức quốc tế đến thăm và làm việc với Hội, trong đó có những phiên kết nối 1 -1 , trực tiếp giữa doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp thành viên của Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng.
Chúng tôi muốn tạo cho hội viên một môi trường, một thị trường ở nước ngoài, nhằm liên kết với doanh nghiệp nước ngoài để phát triển sản phẩm, đưa sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài cũng như có cơ hội tìm kiếm các nhà đầu tư nước ngoài đến với thành phố Đà Nẵng, đến với các doanh nghiệp hội viên.
Theo ông, Đà Nẵng nói riêng, các cơ quan chức năng cả nước nói chung cần có chủ trương, chính sách như thế nào để khuyến khích, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp niêm yết lên sàn chứng khoán? Về phía Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, Hội có kiến nghị, giải pháp gì về nội dung này?
Tôi nhớ vào giai đoạn 2007, 2008 có chính sách giảm thuế đối với các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, tuy nhiên thời gian sau chính sách này đã bị bỏ. Trong bối cảnh hội nhập và đặc biệt giai đoạn hiện nay, để vượt qua được khó khăn đã là rất thách thức đối với doanh nghiệp chứ chưa nói là lên sàn.
Chính vì vậy chúng tôi mong muốn Chính phủ, các bộ ngành có nhiều chính sách hơn nữa để hỗ trợ các doanh nghiệp khi niêm yết trên sàn chứng khoán, như giảm thuế, tạo cơ hội đầu tư khi mà các đối tác nước ngoài đến với địa phương. Các nhà đầu tư nước ngoài đến thì cũng ưu tiên, kết nối với các doanh nghiệp trong nước cũng như các doanh nghiệp địa phương ở Đà Nẵng đã lên sàn, để tạo sự kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước đã lên sàn chứng khoán.
Đối với Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, chúng tôi nhận thấy hiện nay các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ Hàn Quốc, Nhật Bản đến với thành phố tương đối nhiều. Chúng tôi mong muốn các chính sách của thành phố sẽ tạo điều kiện nhiều hơn cho doanh nghiệp địa phương để chúng tôi tiếp cận, làm việc với doanh nghiệp nước ngoài, cũng là cơ hội để học hỏi kiến thức, thay đổi tư duy, tầm nhìn, từ đó có thể hướng đến mục tiêu kỳ vọng là đưa doanh nghiệp mình niêm yết trên sàn chứng khoán để hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát triển hơn.